Kỹ thuật nhân giống sen đá


Với bất cứ ai yêu thích sen đá thì việc mày mò để nhân giống loài cây này không còn là điều quá mới mẻ. Nhưng thông thường, chúng ta lại chỉ nghĩ rằng, chỉ cần đơn giản là vặt lá và đặt xuống đất là nó sẽ tự ra rễ rồi lớn thành cây con. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ, để kích cho rễ ra nhanh, bạn nên chọn loại đất nào cho phù hợp và tưới nước thế nào… để cây phát triển khỏe mạnh vẫn là những câu hỏi rất mới mẻ với người trồng sen đá. Chính vì vậy, trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách nhân giống sen đá chi tiết mà chúng tôi đã tích luỹ và học hỏi được.



Nên nhân giống Sen Đá khi nào? 

Thời điểm thích hợp nhất để nhân giống các loại Sen Đá là vào mùa xuân, thời tiết vào mùa này khá mát mẻ, là điều kiện thích hợp cho cây con phát triển. Bạn cũng có thể nhân giống sen đá vào các mùa khác trong năm, tuy nhiên tuỳ điều kiện thời tiết của từng mùa mà cây con sẽ phát triển nhanh hay chậm, tỷ lệ nhân giống thành công cũng phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện thời tiết.



Khi nhân giống, cần chọn những cây trưởng thành và khỏe mạnh để cây con có được cũng có các đặc điểm tốt nhất. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn cách nhân giống sen đá bằng lá và cắt thân. Bạn cũng có thể tận dụng những cây có thân cao, ngắt lá hoặc lấy luôn những lá bị rụng dưới gốc để nhân giống.

Nếu bạn đặt một chậu Sen Đá để trang trí trong nhà thì chắc chắn bạn sẽ biết rằng: dù có để ngay cạnh cửa sổ để cho cây có thể hấp thụ nhiều ánh nắng nhất, nhưng nhiều khi trời âm u thì thân cây cũng sẽ bị cao lên và nhạt màu dần đi, điều này làm cho cây không còn đẹp như lúc ban đầu nữa. Nhưng đừng lo lắng, bởi đây chính là thời điểm thích hợp nhất cho việc nhân giống Sen Đá.



Có thể nhìn từ phía trên trông chậu hoa Đá còn khá đẹp, nhưng nếu để 1 thời gian nữa phần lá phía dưới của cây có thể bị héo và rụng dần, để lộ ra phần thân bị cao lên 1 cách bất thường. Vì vậy, ta nên cắt các lá này trước khi chúng héo hết để nhân giống thành nhiều cây sen đá con ngay lúc này.

Bước 1. Ngắt lá và cắt thân

Đầu tiên hãy ngắt những lá sen đá phía dưới. Đừng vội vàng, hãy làm thật cẩn thận một tay giữ vào cây, một tay cầm vào lá và đưa nhẹ lá sang 2 bên cây cho đến khi bạn ngắt được chiếc lá ra 1 cách thật nhẹ nhàng.

Hãy đảm bảo rằng bạn đã ngắt toàn bộ những lá sen phía dưới ra và tất cả chúng phải còn nguyên vẹn. Nếu lá được ngắt ra không còn lành lặn, chúng sẽ rất khó để phát triển thành cây con.

Sau khi đã ngắt xong toàn bộ những lá sen phía dưới. Chúng ta sẽ được cây sen đá với phần lá phía trên và 1 cái thân cao ngồng, nham nhở. Vì vậy hãy tiến hành thêm 1 bước nữa để có thêm nhiều cây con hơn. Ở bước này tỷ lệ mọc ra cây con gần như là 100%, hơn nữa cây con lớn được tạo ra sẽ lớn rất nhanh. Bạn chỉ cần dùng kéo hoặc dao sắc và sạch cắt ngang phần thân cây (dùng dao vết cắt sẽ thẳng và đẹp hơn). 
Bây giờ, bạn đã giữ lại được cây Sen cũ nhưng chiều cao ở thân của nó đã ngắn và trông đẹp hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần đơn giản là cắm nó xuống đất, phần thân bị cắt sẽ ra rễ và phát triển như bình thường. Tuy nhiên đừng quá vội vàng, hãy tiếp tục thực hiện các công việc trong bước 2 tiếp nhé vì chúng rất quan trọng. 

Bước 2. Chờ đợi 

Sau khi đã ngắt lá và cắt thân, hãy đặt cây ở nơi khô ráo, thoáng mát, đợi cho vết cắt khô và lành lặn rồi mới có thể mang cây đi trồng với đất. Thông thường sau khoảng 3 - 4 ngày, là vết thương của cây có thể bình phục, việc này sẽ giúp cây tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và kích thích khả năng ra rễ của lá tốt hơn. Bởi cây có 1 cơ chế tự sinh tồn rất tuyệt vời: chúng nhận ra được rằng môi trường xung quanh không có nước, vì vậy rễ được kích thích để phát triển nhanh hơn để có thể tìm các chất dinh dưỡng và nước.
Sau khi cắt và ngắt lá, nếu bạn để vết thương của cây tiếp xúc với nước và đất ngay lập tức, nó sẽ có khả năng rất cao bị thối. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trường hợp rễ cây phát triển bình thường, điều này phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. 

Bước 3. Nhân giống 

Đất trồng

Đất trồng thích hợp cho các loại sen đá cần phải giữ ẩm tốt để cây có thể ra rễ nhanh hơn. Tại các vườn ươm, loại đất trồng dùng để nhân giống là hỗn hợp trấu + mùn dừa + phân hữu cơ. Trong đó phân hữu cơ là các chất dinh dưỡng, trấu giúp đất tơi xốp và mùn dừa giúp giữ ẩm tốt hơn nhưng vẫn cần phải xử lí bằng vôi để khử độ chát của phân có thể có gây hại cho cây. Thực tế, rất khó để mua được các mụn dừa đã qua xử lý, thay vào đó chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách đơn giản nhất để xử lí mùn dừa hiệu quả ngay tại nhà.
Bạn chỉ ngâm mùn dừa với nước, bóp và vắt nhiều lần để xả bớt độ chat. Ngâm trong khoảng 2 ngày, trong mỗi ngày bóp khoảng 2 lần và sau mỗi một lần lại tiếp tục ngâm vào nước mới. Tiếp đó chỉ cần phơi khô chúng là ta đã có mụn dừa để dùng rồi.

Đặt lá và chăm sóc

Đặt lá lên trên mặt đất đã được làm ẩm, đây là một cách để thông báo cho chúng biết rằng  phía dưới đang có dinh dưỡng, để rễ có thể phát triển và cắm sâu xuống đất. Sau từ khoảng 1 - 2 tuần bạn sẽ thấy rễ non phát triển cùng với sự xuất hiện của các cây con. Việc nhân giống sen đá bằng lá cho ra các cây con bụ và nhiều khi từ 1 lá sẽ mọc ra 2-3 cây con.

Cung cấp đủ nước và độ ẩm cho chúng, sẽ tạo điều kiện cho lá mẹ kích thích rễ phát triển. Bạn nên tưới nước khi đất đã khô hẳn, tránh để nước bị đọng lại trên lá sẽ gây thối, có thể dùng bình xịt phun sương để lá có thể hấp thụ hơi nước có trong không khí, giúp rễ cây phát triển khoẻ mạnh hơn.
Đặt các lá mẹ chúng nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp, bởi rễ và cây con mới mọc ra đều rất non và yếu nên cần được chăm sóc cẩn thận hơn. Sau từ 1-2 tháng tuỳ vào điều kiện thời tiết, cây con sẽ lớn và cứng cáp hơn.
Đợi đến khi thân của cây con cứng cáp hơn và lá mẹ cũng bắt đầu héo dần. Chờ cho lá mẹ héo hẳn đi, rồi tiến hành tách lá mẹ ra, làm giống như việc tách lá từ thân cây ở trên. Hoặc nếu không bạn cũng có thể để đó kệ cho lá mẹ tự héo và rụng ra.
Thực tế, không phải tất cả các lá mẹ được trồng đều cho ra rễ và trở thành các cây con khoẻ mạnh. Sẽ có những lá khô héo, ra được rễ nhưng lại không thể phát triển thành cây con, ngược lại cũng có nhiều lá mẹ đẻ được cây con nhưng lại không cho ra rễ, khi lá mẹ héo thì cây con cũng không thể sống được do không có rễ và chưa đủ lớn để có thể hút dinh dưỡng.

Chăm sóc cây Sen Đá cũ sau khi cắt ngọn 

Quay lại với cây Sen Đá cũ mà chúng ta đã ngắt ngọn, mọi việc mà chúng ta cần làm sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Việc duy nhất bạn càn làm lúc này chỉ là chờ đợi. Sức sống và khả năng sinh tồn của Sen Đá là rất tốt, vì vậy mà phần thân mà bạn đã cắt sẽ mọc ra rất nhiều các cây con. Chúng lớn rất nhanh và khoẻ mạnh, do được chính phần thân mẹ trưởng thành nuôi nấng.

Sau đó, cây sen đá này sẽ mọc thành các bụi có nhiều nhánh rất đẹp, một số người muốn cây của họ ra nhiều nhánh hơn trước cũng đã phải dùng đến phương pháp này.
Bạn nên đặt chậu cây bị cắt này ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp để cho  cây con phát triển khỏe mạnh cho đến khi nó lớn hơn một chút nhé. 
Việc nhân giống sen đá không có gì quá khó, dù bạn có đọc nhiều hay tham khảo ở đâu chăng nữa thì việc bắt tay vào làm sẽ giúp bạn học được nhiều thứ hơn và quan trọng hơn hết là có được trải nghiệm cho chính mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến